Thời gian: 08h00 thứ năm ngày 07 tháng 12 năm 2017

Địa điểm: Phòng chuyên đề, Khoa Khoa học Tự nhiên

Báo cáo 1. Vi khuẩn phân hủy hydrocarbon thơm trong hệ thống xử lý nước thải của Khoa Khoa học Tự nhiên

Báo cáo viên: TS. Nguyễn Thị Phi Oanh

Hydrocarbon thơm được sử dụng rất phổ biến như dung môi trong công nghiệp và trong nghiên cứu khoa học do đó các hợp chất này có thể hiện diện trong đất, không khí, nước và các lớp trầm tích gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến quần thể phiêu sinh vật, động thực vật thủy sinh và sức khỏe cộng đồng. Toluene và xylene được xếp vào nhóm các hợp chất ô nhiễm nước mặt và nước ngầm phổ biến. Khi hiện diện trong đất, toluene làm giảm quá trình nitrate hóa của vi sinh vật đất. Nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ khi tiếp xúc với các sản phẩm có chứa toluene trong thời gian dài trước và trong khi mang thai làm cho tử cung chậm phát triển, sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ sơ sinh chậm phát triển. Ngoài ra, toluene và xylene cũng có thể gây độc cấp tính và gây đột biến gen ở động vật hữu nhũ.

Hệ thống xử lý nước thải của Khoa Khoa học Tự nhiên nhận nguồn nước thải từ các phòng thí nghiệm và các phòng thực hành của Bộ môn Hóa học, gồm các chất thải vô cơ và hữu cơ. Hiện tại, khi nước thải đi vào hệ thống sẽ được sục khí, trộn vôi và lọc qua than hoạt tính. Vì thế, hệ thống chỉ có thể xử lý các hợp chất vô cơ, các hợp chất hữu cơ trong nước thải có khả năng tồn tại và rò rỉ ra môi trường. Chính vì vậy, nghiên cứu về phân lập vi khuẩn có khả năng phân hủy hiếu khí các hợp chất hữu cơ có vòng thơm trong bể nước thải của Khoa Khoa học Tự nhiên là cần thiết nhằm tìm ra các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng phân hủy hiệu quả các hợp chất này.

Báo cáo 2. Vi khuẩn khử thuốc kích thích ra hoa chlorate kali trong đất trồng nhãn

Báo cáo viên: TS. Nguyễn Thị Phi Oanh

Cây nhãn là một trong các loại cây ăn trái được trồng với diện tích lớn (khoảng 53.900 ha) ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, việc thu hoạch nhãn ở đây thường tập trung theo mùa đồng thời bị cạnh tranh bởi các loại trái cây khác nên có thời điểm nhãn được mùa nhưng mất giá. Ngược lại, vào mùa nghịch, nhãn rất khan hiếm và giá tăng cao. Hiện nay, chlorate kali (KClO3) đang được nông dân ĐBSCL sử dụng rộng rãi bằng cách tưới vào gốc cây nhãn nhằm kích thích nhãn ra hoa nghịch mùa. Có nhiều nghiên cứu về nồng độ KClO3 phù hợp để kích thích ra hoa nhãn vào mùa nghịch nhưng đa số nông dân thường sử dụng liều lượng vượt rất nhiều lần cho phép gây nguy cơ lưu tồn KClO3 trong đất dẫn đến ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Do KClO3 là một hợp chất có tính oxy hóa mạnh, không tự phân hủy nên sự ô nhiễm KClO3 trong môi trường đã được chứng minh làm giảm tỉ lệ nảy mầm của hột đậu phộng, gây hoại tử ống thận ở động vật, cản trở khả năng vận chuyển oxy trong máu và tổn hại thận ở người.

ĐBSCL có diện tích trồng nhãn lớn và KClO3 được sử dụng rất phổ biến để kích thích nhãn ra hoa trái vụ với liều lượng vượt mức cho phép nhiều lần, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về sự phân hủy sinh học KClO3 trong đất ở vùng này. Vì vậy, đề tài được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn có khả năng khử hiệu quả KClO3 trong đất trồng nhãn ở Cần Thơ để làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm ra giải pháp xử lý KClO3 trong đất bằng biện pháp sinh học.

Báo cáo 3. Sàng lọc cây thuốc có khả năng kháng đông protein tau gây bệnh Alzheimer

Báo cáo viên: Ths. Nguyễn Kim Đua

Protein tau ở tế bào thần kinh của người có vai trò cố định và ổn định cấu trúc của vi ống ở sợi trục; giúp đảm bảo sự dẫn truyền thần kinh giữa những neuron kề nhau được diễn ra xuyên suốt. Ở não của bệnh nhân Alzheimer, protein tau bị phosphoryl hóa quá mức và tách khỏi vi ống. Do đó, cấu trúc ở sợi trục của tế bào thần kinh bị phá vỡ là nguyên nhân làm sự dẫn truyền trên tế bào thần kinh bị gián đoạn. Ngoài ra, những protein tau ở dạng tự do sẽ kết tụ với nhau tạo thành đám rối thần kinh (neurofibrillary tangle). Những đám rối thần kinh này gây độc cho những tế bào thần kinh khác trong não bộ. Cho đến nay thì y học vẫn chưa tìm ra được loại thuốc chữa trị hiệu quả căn bệnh Alzheimer và nhóm bệnh mất trí (dementia) ở người cao tuổi. Ở Việt Nam, người dân vẫn tin dùng một số loại thực vật để chữa trị những rối loạn của hệ thần kinh và tăng cường trí nhớ. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là biến nạp, tinh sạch protein tau 3R MBD và sàng lọc khả năng kháng đông protein tau của 17 loại thảo dược thuộc 11 Họ thực vật được chiết xuất các chất bằng dung môi methanol theo phương pháp ngâm dầm. Khả năng kháng đông protein tau của các cao chiết methanol được xác định bằng phương pháp đo mật độ huỳnh quang của phản ứng đông tụ protein tau với phẩm nhuộm Thioflavin T. Kết quả cho thấy protein tau được tinh sạch cao ở nồng độ 100 mM imidazole và 9/17 mẫu cao chiết methanol cho hiệu quả kháng đông cao hơn 70% ở nồng độ 12,5 mg/mL. Hiệu quả kháng đông của cao chiết lá Ổi (Psidium guajava L.), lá Sen (Nelumbo nucifera) và lá Sa kê (Artocarpus altilis) là cao nhất với IC 50 lần lượt là 0,39 mg/mL, 1,24 mg/mL và 1,05 mg/mL so với IC 50 của đối chứng dương là 1.35 µM (xanh methylene). Cao chiết lá Ổi (Psidium guajava L.) được tách phân đoạn trong dung môi hexan và ethyl acetate. Hiệu quả kháng đông cao nhất ở phân đoạn 100% ethyl acetate.

Hội thảo Kết nối Khoa học Tự nhiên với doanh nghiệp và cựu sinh viên

Login Form

Số lượt truy cập

2321039
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
4483
13582
52953
2321039

Khoa Khoa học Tự nhiên
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3872.091
Email: kkhtn@ctu.edu.vn