Khoa Khoa học là một trong 04 Khoa đầu tiên của Viện Đại học Cần Thơ, được thành lập ngày 31 tháng 03 năm 1966 cùng với Luật Khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa và Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu). Ngoài ra Viện Đại học Cần Thơ còn có Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngoại ngữ cho sinh viên. Khoa Khoa học đào tạo hai ngành Vạn vật học và Khoa học chính xác hệ Cử nhân bốn năm. Sau năm 1975, Viện Đại học Cần Thơ đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Khoa học được cơ cấu lại thành các Khoa Toán Lý, Khoa Hóa Sinh bên cạnh các Khoa Ngữ Văn, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Sử Địa.
Đến năm 1995, Trường Đại học Cần Thơ có chương trình MHO hợp tác với các Trường Đại học Hà Lan từ nguồn kinh phí của chính phủ Hà Lan. Chương trình MHO-3 (còn gọi là chương trình khoa học cơ bản) là một trong 9 chương trình của MHO. Chương trình MHO-3 bắt đầu từ ngày 1/4/1995 với mục đích giúp trường Đại học Cần Thơ xây dựng chương trình đào tạo giai đoạn 1 khoa học cơ bản. Chương trình MHO-3 hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giáo dục bằng quá trình đổi mới giảng dạy với sự chú trọng vào các bài thí nghiệm kết hợp với lý thuyết. Trong khuôn khổ chương trình MHO-3, Khoa Khoa học được tái thành lập theo quyết định số 147/ĐHCT.TCCB.95 ngày 06 tháng 10 năm 1995 với sứ mệnh cung cấp giáo dục giai đoạn 1 với một số môn cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học.
Ngày 14/01/1998, Khoa Khoa học chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động. Ban Chủ nhiệm Khoa gồm có Trưởng Khoa là Giáo sư Tiến sĩ Trần Phước Đường đồng thời cũng là Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ; Các Phó Trưởng Khoa gồm có Tiến sĩ Huỳnh Thu Hòa, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tranh và Thạc sĩ Lê Anh Tuấn. Tổng số cán bộ của Khoa là 60 cán bộ. Đến năm 2009, theo quyết định số 1242/QĐ-ĐHCT ngày 14/8/2009, Khoa Khoa học được đổi tên thành Khoa Khoa học Tự nhiên. Hiện Khoa đang đào tạo 06 ngành bậc Cao học và 06 ngành bậc Đại học bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên Toán học, Vật Lý, Hóa học và Sinh học, góp phần to lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học cơ bản cho sự nghiệp phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Cơ sở vật chất
Một khu nhà hai tầng đã được xây dựng cho thực tập và thí nghiệm các môn học. Tòa nhà này gồm 12 phòng thí nghiệm (PTN) cho Sinh, Hóa, Vật lý; 06 phòng máy tính được nối mạng với nhau; VP khoa và xưởng sửa chữa. Hầu hết trang thiết bị PTN đều từ Hà Lan gởi sang. Đến nay, Khoa đã có 19 PTN Lý, Hóa, Sinh với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, 01 phòng máy tính, quản lý 15 phòng học. Qua nhiều năm sử dụng, các trang thiết bị cũ đã được thay thế, hiệu quả hơn, hiện đại hơn nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà trường và từ kinh phí của các Dự án khác. Năm 2010, Trường đã đầu tư mở rộng khu PTN của khoa, xây mới khu nhà 3 tầng với 22 phòng. Khu PTN mới đã được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Khoa KHTN hiện nay gồm 04 bộ môn: Bộ môn Sinh học, Bộ môn Hóa học, Bộ môn Toán học, Bộ môn Vật Lý và tổ Văn phòng.
Công tác đào tạo đại học
Khoa KHTN bắt đầu đào tạo cử nhân ngành CNSH k.27 vào năm 2001; ngành Hóa học vào năm 2002; ngành Toán ứng dụng vào năm 2006; ngành Sinh học vào năm 2007; ngành Vật lý kỹ thuật vào năm 2014; ngành Hóa dược vào năm 2017 và chính thức tuyển sinh ngành Thống kê vào năm 2022. Ngoài sinh viên chuyên ngành do Khoa quản lý, CBGD của Khoa còn đảm nhận giảng dạy các học phần cơ bản về KHTN cho các khối ngành kỹ thuật và nông nghiệp.
Tại Khoa KHTN, ngoài giờ lý thuyết SV được học thực hành trong các PTN và phòng máy tính. Vào năm thứ ba của chương trình đào tạo, các SV chuyên ngành được đi tham quan, thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu, các địa danh có liên quan đến chuyên ngành. Sau mỗi đợt thực tập, các bộ môn tổ chức cho các em báo cáo thu hoạch và trưng bày những mẫu vật đã sưu tầm được. Hoạt động này đã cung cấp cho các em nhiều kiến thức bổ ích, đồng thời làm cho bài giảng của giáo viên thêm sinh động.
Hàng năm có khoảng hơn 100 SV của Khoa thuộc các chuyên ngành Toán ứng dụng, Hóa học, Hóa dược, Sinh học tốt nghiệp ra trường, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cho vùng ĐBSCL.
Trong mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động NCKH của CBGD, nhiều sinh viên đã mạnh dạn đăng ký làm chủ nhiệm đề tài NCKH dưới sự hướng dẫn tận tình của các CBGD. Hoạt động này đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như: Giải vàng của Giải thưởng Holcim với đề tài “Xây dựng mô hình xử lý bao bì, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” tại phường An Lạc, huyện Ô môn, TP. Cần Thơ và Giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2010 với đề tài “Tổng hợp chất bôi trơn sinh học từ mỡ lợn, mỡ bò”.
Ngoài việc giảng dạy theo chương trình đào tạo, Khoa còn định kỳ tổ chức các sinh hoạt học thuật cho sinh viên chuyên ngành. CLB KHTN được tổ chức mỗi năm 2-3 lần do sinh viên các chuyên ngành phụ trách, thu hút đông đảo SV trong và ngoài Khoa tham gia. CLB đã cung cấp và đề cập đến những kiến thức cần thiết, thông tin mới nhất, những vấn đề nóng bỏng hiện nay về môi trường, về biến đổi khí hậu, về dịch bệnh,…đang diễn ra trong nước cũng như trên thế giới, đồng thời qua đó giúp các em có ý thức và hành động tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đoàn TN khoa tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập nhằm giúp các em SV khóa mới nhanh chóng thích nghi với phương pháp dạy và học trong trường đại học.
Công tác đào tạo SĐH
Được sự hỗ trợ của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cho trường ĐHCT, từ năm 2004 khoa KHTN tham gia quản lý các ngành đào tạo Cao học: Toán, Lý, Hóa và Sinh Thái, gồm các chuyên ngành: Toán giải tích, Lý thuyết xác suất và thống kê toán, Đại số và Lý thuyết số, Vật lý lý thuyết, Vật lý kỹ thuật, Hóa lý thuyết và hóa lý, Hóa hữu cơ và Sinh thái học. Khoa đã được sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình trong đào tạo của các Thầy, Cô ở các trường ĐH, Viện khoa học VN tại TP. Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên. Đến nay, Khoa KHTN không chỉ quản lý mà đã đảm nhận khoảng hơn 70% khối lượng giảng dạy, tham gia hướng dẫn học viên Cao học ngày càng nhiều. Mỗi khóa học, Khoa tuyển khoảng hơn 130 học viên thuộc tất cả các chuyên ngành đào tạo và số học viên Cao học mỗi khóa tốt nghiệp đạt khoảng 90%, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay, tổng số học viên Cao học của Khoa thuộc tất cả các ngành đào tạo là 874.
Công tác NCKH, báo cáo chuyên đề
Trong những năm đầu thành lập, hầu hết các bộ môn đều chưa có cán bộ (CB) đầu ngành, CB có trình độ cao. Việc CB tham gia NCKH, báo cáo chuyên đề, viết giáo trình còn nhiều hạn chế. Đến nay, CBGD của Khoa ngày càng tích cực đăng ký chủ trì đề tài NCKH các cấp, báo cáo chuyên đề ở Khoa, ở các buổi sinh hoạt học thuật của bộ môn và báo cáo khoa học tại các Hội nghị chuyên ngành; hợp tác nghiên cứu với một số trường đại học ở nước ngoài.
Tháng 11/2010 vừa qua, Khoa KHTN đã tổ chức Hội Nghị tổng kết công tác Đào tạo và NCKH giai đoạn 2005-2009, đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của Khoa KHTN trong công tác NCKH và chuyển giao công nghệ với tổng số 17 đề tài cấp Bộ, 31 đề tài cấp Trường, 50 bài báo được công bố trên tạp chí trong nước và 40 bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Khoa bắt đầu khởi sắc từ khi có chương trình hợp tác MHO-3. Trong giai đoạn 1 của chương trình, đã có 07 CB có bằng Thạc sĩ tại Hà Lan, 10 CB có bằng Thạc sĩ trong nước. Giai đoạn 2 của chương trình, có 02 CB được đào tạo Tiến sĩ tại Hà lan, có 02 CB làm NCS và nhiều CB học Cao học trong nước đã được hỗ trợ kinh phí từ chương trình. Sau khi chương trình MHO-3 kết thúc, Khoa tham gia Dự án Giáo dục đại học 2 (TRIG), một số CB đã được cử đi đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, CBGD của Khoa luôn tích cực tìm nguồn học bổng học sau đại học hay tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài như Úc, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... hoặc dự thi vào học sau đại học trong nước. Khi mới thành lập, Khoa chỉ có 02 Tiến sĩ và 4 Thạc sĩ. Đến nay, Khoa đã có 12 phó giáo sư, 19 Tiến sĩ và 26 Thạc sĩ. Kết quả này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ CBGD và sự nỗ lực rất lớn của cá nhân và tập thể trong quá trình xây dựng và phát triển của Khoa. Lãnh đạo Đảng và chính quyền Khoa KHTN luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho CB học tập nâng cao trình độ, đào tạo, bồi dưỡng CB có trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBGD của Khoa, đồng thời tạo tiền đề cho công tác hợp tác NCKH với các đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước.