Thời gian: 08 giờ ngày 30 tháng 11 năm 2017.
Địa điểm: Phòng chuyên đề, Khoa Khoa học Tự nhiên
Báo cáo tóm tắt:
Báo cáo thứ 1: Hiệu quả hạ glucose huyết, kháng oxy hóa và điều hòa lipid huyết của lá bình bát dây (Coccinia grandis (L.) Voigt.) trên chuột bệnh đái tháo đường.
Báo cáo viên: PGS.TS. Đái Thị Xuân Trang
Hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), điều hòa lipid huyết và kháng oxy hóa của dịch trích methanol lá bình bát dây (BBD) (Coccinia grandis (L.) Voigt.) được khảo sát in vivo trên chuột bệnh ĐTĐ do alloxan monohydrate. Chuột được gây bệnh ĐTĐ bằng cách tiêm alloxan monohydrate vào khoang bụng với liều 135 mg/kg trọng lượng/ lần x 1 lần/ ngày trong 3 ngày. Ảnh hưởng của dịch trích BBD trên chuột bình thường được khảo sát bằng cách cho chuột bình thường uống 100 và 1000 mg/kg trọng lượng/ lần x 2 lần/ ngày. Chuột bệnh ĐTĐ được điều trị bằng dịch trích BBD với liều 100 mg/kg trọng lượng/ lần x 2 lần/ ngày. Thuốc thương mại glucophage được sử dụng như đối chứng dương với liều 108 mg/kg trọng lượng/ lần x 2 lần/ ngày. Sau 21 ngày thí nghiệm, kết quả cho thấy BBD không gây độc ở liều 1000 mg/kg trọng lượng. BBD ở liều 100 mg/kg có hiệu quả giảm glucose huyết, và các chỉ số lipid huyết gồm cholesterol (TC), triglyceride (TG), LDL-C (low density lipoprotein cholesterol), đồng thời tăng cholesterol tốt là HDL-C (high density lipoprotein cholesterol) khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với chuột bệnh ĐTĐ không điều trị. Chuột bệnh ĐTĐ điều trị bằng BBD có hàm lượng marker của sự peroxyde hóa lipid là malondialdehyde (MDA) giảm khác biệt có ý nghĩa thống kê so với chuột bệnh không được điều tri. Hiệu quả hạ glucose huyết, điều hòa lipid huyết và kháng oxy hóa của dịch trích BBD trong nghiên cứu này đều cho thấy cao hơn thuốc thương mại glucophage. Trong lá BBD xác định được hàm lượng polyphenol tổng tính tương đương acid gallic và hàm lượng flavonoid toàn phần tính tương đương quercetin lần lượt là 607,41± 14,44 mg acid gallic/g dịch trích và 111,72±1,94 mg quercetin/g dịch trích. Từ các kết quả trên có thể kết luận BBD có hiệu quả kháng oxy hóa, giảm glucose huyết và điều hòa lipid huyết nên có thể ứng dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Báo cáo thứ 2: Chức năng của gene lipid storage droplet 1 (lsd1) trong sự phát triển cánh của ruồi giấm Drosophila melanogaster.
Báo cáo viên: TS. Trần Thanh Mến
Gene lipid storage droplet 1 (lsd1) của ruồi giấm tương đồng với gene perilipin 1 trên người về trình tự và chức năng. Ở ruồi giấm, chức năng của Lsd1 trong quá trình phân giải lipid đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh. Tuy nhiên vai trò của Lsd1 trong quá trình phát triển của ruồi giấm vẫn chưa được quan tâm và khảo sát. Để nghiên cứu Lsd1 có vai trò như thế nào trong các giai đoạn phát triển khác nhau của ruồi giấm, gene lsd1 được làm giảm biểu hiện (knockdown) bằng phương pháp GAL4/UAS (đây là hệ thống được sử dụng để nghiên cứu chức năng của gene trong ruồi giấm). Kết quả cho thấy cánh của ruồi giấm bị biến dạng (atrophied wing phenotype) khi gene lsd1 bị knockdown và biểu hiện trên đĩa cánh. Kết quả thí nghiệm cũng chứng minh các chất oxy hóa, số tế bào chết có trên đĩa cánh của ruồi bị knockdown tăng lên và khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng. Hơn nữa, hình dạng ty thể ở các tế bào knockdown lsd1 bị biến dạng và lượng ATP cũng bị giảm. Những kết quả khảo sát của đề tài cho thấy rằng việc làm giảm biệu hiện Lsd1 trên đĩa cánh đã gây ra sự stress ở ty thể và dẫn đến tạo ra các gốc oxy hóa, đây có thể là nguyên nhân gây chết của tế bào theo quá trình apoptosis và autophagy. Qua đó cũng đã cho thấy Lsd1 có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của cánh ruồi giấm.